26/07/2010 | lượt xem: 6 TẤM LÒNG MỘT NGƯỜI MẸ LIỆT SỸ Trong dịp kỷ niệm 63 năm ngày thương binh liệt sỹ, người dân xã Hồng Quang (Ân Thi) không chỉ tri ân, tưởng nhớ những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh mà còn biết ơn một người mẹ liệt sỹ đã 10 năm nay coi sóc hơn 100 phần mộ liệt sỹ, góp công sức không nhỏ để nghĩa trang liệt sỹ của xã sạch đẹp, uy nghiêm. Con đường làng trải bê-tông sạch đẹp dẫn chúng tôi đến căn nhà nhỏ của bà Hoàng Thị Mài (xã Hồng Quang)- người mẹ có 4 con trai thì 2 con là liệt sỹ. Đi qua ngõ sum suê cây lá, chiếc cầu ao soi bóng những cội nhãn già khẳng khiu, bà đón chúng tôi với nụ cười thật hiền hậu. Trong câu chuyện của bà, chúng tôi không chỉ thấy một người mẹ vỹ đại đã hai lần tiễn con lên đường nhập ngũ, hai lần đón hài cốt các con về quê hương mà còn thấy một người vợ đảm đang tần tảo đã hết lòng hy sinh cho chồng con, một vai hai gánh nuôi mười bốn người con khôn lớn trưởng thành. Bà kể, ngày ấy nhà rất nghèo, gia đình chỉ muốn sinh nhiều con để lấy người làm, trong thời buổi khó khăn thiếu đói nhưng cả mười bốn người con thì mẹ đều nuôi nấng nên người. Tần tảo sớm hôm chạy chợ gần, buôn chợ xa, ngày ngày đòn gánh trên vai, dường như khắp các chợ trong huyện, trong vùng đâu đâu cũng in hằn dấu chân của người con gái chợ Thi đảm đang ấy. Bà còn nhớ, ngày ấy chồng bà và các anh chị em trong gia đình rất nhiều người cũng tham gia vào dân quân tự vệ, du kích, thương chồng vất vả bà càng cố gắng quán xuyến mọi việc nhà, chăm lo cho con cái. Khi các con khôn lớn trưởng thành, đứa thì theo cha, theo chú bác tham gia các hoạt động tại địa phương, đứa thì khoác ba lô lên đường nhập ngũ, bà lại là người ủng hộ, khuyến khích các con. “Tiễn các con lên đường nhập ngũ, cũng như bao người mẹ khác tôi chỉ mong sao các con có thể góp một phần công sức của mình cho quê hương, cùng với quân dân cả nước đánh đuổi giặc thù”, bà tâm sự như vậy, nhưng chúng tôi hiểu rằng người mẹ nào chẳng thương con, và khi biết tin cả hai con đều hi sinh người mẹ ấy đã đau xót như thế nào. Mẹ liệt sĩ Hoàng Thị Mài bên phần mộ các anh hùng liệt sĩ Hòa bình lập lại, khi nhân dân địa phương đón nhận hàng trăm hài cốt của các anh hùng liệt sỹ địa phương về an táng tại quê nhà, bà Hoàng Thị Mài và ông Vũ Sỹ Tầm- chồng của bà, khi ấy đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn tự nguyện đề nghị với chính quyền địa phương để ra trông nom nghĩa trang, hương khói cho hơn 100 phần mộ liệt sỹ. Thấy hai ông bà đều đã già, lại là gia đình chính sách nên nhiều người ái ngại, không đồng ý, nhưng nghe ông bà thuyết phục nên từ những năm 98- 99 nghĩa trang liệt sỹ của xã đã được hai ông bà ngày ngày trông nom, hương khói. Bà tâm sự: “nghĩa trang liệt sỹ không chỉ là nơi hai con trai chúng tôi an nghỉ mà còn có cả đồng đội, bạn bè của chúng. Bởi thế mà với tâm nguyện của người mẹ, người cha, những người được sống cuộc sống thanh bình hôm nay chúng tôi muốn góp chút công sức cho việc giữ gìn, coi sóc nơi này, cũng là để khoảng đời còn lại được ngày ngày gần gũi, thăm viếng những người con của mình và cả những người con dũng cảm của quê hương”. Ngày chồng bà khuất núi, bà không những không từ bỏ việc trông nom nghĩa trang mà bấy lâu hai ông bà vẫn cùng làm mà bà còn khẳng định sẽ tiếp tục làm, dù một mình nhưng vẫn sẽ làm tốt. Dù ngày mưa hay ngày nắng bà Mài vẫn đều đặn đi xe đạp hoặc đi bộ lên nghĩa trang, những khi không khỏe mạnh, phải nằm nhà là bà thấy như buồn phiền, trống trải. Trao đổi với chính quyền xã chúng tôi được biết, để tìm được người trông nom nghĩa trang liệt sỹ bây giờ đâu có dễ, không những trợ cấp chẳng đáng là bao, mỗi năm chỉ một vài trăm nghìn để mua nhang đèn hương khói, mà đây lại là nơi an nghỉ của người đã khuất, bình thường ít ai lui tới. Thế nhưng việc làm của hai ông bà trước đây và việc làm của bà Mài hiện nay đã thay đổi suy nghĩ của nhiều người, đó không chỉ đơn giản là việc hàng ngày đến thăm nom, quét tước, thắp hương đốt đèn nữa mà đó là lòng tri ân, biết ơn mà tất cả những người đang sống cần làm. Hàng chục năm nay, nhân dân trong xã Hồng Quang đã rất quen thuộc với hình ảnh của người mẹ liệt sỹ ấy. Ngày ngày, nhất là những dịp tuần rằm, mùng một, hay ngày lễ, ngày tết, bà lại cặm cụi ở nghĩa trang từ sớm. Đôi tay chai sạn, nhăn nheo vì thời gian của bà lại cẩn thận sửa lại từng bát hương, lau sạch từng vết bụi, nhặt nhạnh cỏ rác vương vãi, dáng người nhỏ bé, cặm cụi của bà cứ chậm rãi bước đến từng hàng mộ, như một người Mẹ, người chị, người bạn đến “thăm hỏi” người thân của mình vậy. Vừa thắp hương, dọn dẹp ở các phần mộ, bà vừa bỏm bẻm nhai trầu, lầm rầm trò chuyện một mình như bao nhiêu năm nay bà vẫn làm thế. “Có lẽ khi tôi đến hương khói, nói chuyện thế này các liệt sỹ cũng biết, cũng nghe thấy, các con tôi cũng ngày ngày được gặp lại mẹ, nghĩa trang cũng thêm ấm cúng, bớt lạnh lẽo hơn”, bà xúc động nói với chúng tôi khi đưa đôi bàn tay run run thắp nén hương trên phần mộ của liệt sỹ Vũ Sỹ Thành và Vũ Sỹ Hải- hai người con trai của bà. Người dân trong xã, nhất là những gia đình có người thân là liệt sỹ, khi nhắc đến bà đều cảm phục và biết ơn, mỗi khi có gia đình người thân của liệt sỹ tới thắp hương, làm lễ đều mời bà cùng đi. Bà Nguyễn Thị Minh, người dân trong xã cho biết: “Mỗi lần đến nghĩa trang, thấy quang cảnh phong quang, những phần mộ thẳng hàng, những hàng cau, khóm hoa tươi nở chúng tôi cũng thấy ấm lòng. Một người mẹ liệt sỹ- một cụ già đã 80 tuổi còn làm được những việc có ý nghĩa như vậy thì chúng tôi càng phải trân trọng, có ý thức bảo vệ, giữ gìn để nghĩa trang thêm sạch đẹp, uy nghiêm”. Quả thực, khi thăm nghĩa trang liệt sỹ xã Hồng Quang, chúng tôi cũng thật bất ngờ. Nằm ngay ven đường trục chính của xã nhưng đường vào nghĩa trang vẫn sạch sẽ, rợp bóng cây. Dọc lối đi là những hàng cau đang đơm hoa trắng muốt, chính là những hàng cau mà ông Tầm và bà Mài đã lần lượt trồng, đến nay vẫn được bà chăm chút xanh tốt, rồi những khóm cúc, khóm hồng nở hoa vàng, hoa đỏ tô điểm làm nghĩa trang càng thêm đẹp đẽ. Nếu ai lần đầu đến thăm nghĩa trang, lần đầu thấy bà làm việc, chắc cũng chẳng thể tin một cụ bà đã 80 tuổi lại có thể làm được những việc như thế. Cúi đầu thắp nén nhang thơm trước anh linh các anh hùng liệt sỹ mà lòng tôi vẫn nghĩ đến người mẹ liệt sỹ ấy. Động lực nào, sức mạnh nào đã thúc đẩy bà ngày ngày đi bộ hơn 1 cây số đến trông nom nghĩa trang và làm bao nhiêu việc thầm lặng mà chỉ có những người đã khuất chứng kiến? Phải chăng, như lời của các con bà thì đó là niềm vui, là tâm nguyện trong cuộc sống của bà. Sau khi gặp bà, trò chuyện và thấy những việc bà đã làm trong bao năm qua, tôi đã nhận ra một chân lý giản dị: Trong cuộc sống hiện đại, xô bồ ngày nay vẫn còn đó những hi sinh thầm lặng chẳng đòi hỏi đáp đền, những đóng góp thầm lặng tưởng chừng như bé nhỏ nhưng lại vô cùng ý nghĩa, là tấm gương, là bài học quý báu cho các thế hệ noi theo và Mẹ liệt sỹ Hoàng Thị Mài chính là một tấm gương như thế.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Văn làm việc với đoàn công tác của Tập đoàn Regina Miracle International Hồng Kông (Trung Quốc)
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa tiếp và làm việc với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tiếp và làm việc với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Singapore tại Việt Nam