24/07/2023 | lượt xem: 2 Sơ kết 2 năm thực hiện Đề án chuyển đổi số tỉnh Ngày 24/7, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Đề án chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án CĐS); Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và khai trương Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Hưng Yên (IOC Hưng Yên). Đồng chí Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo CĐS, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh chủ trì hội nghị. Tới dự khai trương Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Hưng Yên có đồng chí Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Cùng dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Quách Thị Hương, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Đại tá Nguyễn Thanh Trường, Giám đốc Công an tỉnh … Toàn cảnh hội nghị Thực hiện Quyết định số 571/QĐ-UBND ngày 25/2/2022 phê duyệt Đề án CĐS tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, công tác CĐS đã được các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp, Nhân dân tích cực triển khai thực hiện. Công tác CĐS đã có nhiều chuyển biến rõ rệt trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số - kinh tế số - xã hội số. Sau 2 năm thực hiện Đề án CĐS, công tác xây dựng thể chế về CĐS được thực hiện kịp thời, tương đối đầy đủ; các hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về CĐS được triển khai đồng bộ với nhiều hình thức đa dạng; ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã làm thay đổi diện mạo nền hành chính, thay đổi tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; kinh tế số ngày càng có những đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh; công nghệ số ngày càng phổ biến, rõ nét và giữ vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, thay đổi thói quen sinh hoạt, làm việc và học tập. Đến nay, nhiều chỉ tiêu về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trong Đề án CĐS đã hoàn thành và hoàn thành vượt mục tiêu đề ra. Về thực hiện Đề án 06, đến tháng 4/2023, tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng Kho quản lý dữ liệu điện tử. Đến nay, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh Hưng Yên công khai 1.827 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh; cung cấp 560 dịch vụ công đủ điều kiện trực tuyến một phần, 1.052 dịch vụ công đủ điều kiện trực tuyến toàn trình. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả TTHC toàn tỉnh đạt trên 90%. Hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06. Hoàn thành thu nhận hồ sơ cấp thẻ CCCD gắn chíp cho 100% công dân đủ điều kiện cấp trên địa bàn tỉnh. Đến ngày 11/6/2023, lực lượng công an toàn tỉnh đã kích hoạt được 571.477 hồ sơ định danh điện tử. Thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ các hoạt động như: khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; quản lý hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; chi trả trợ cấp, thu phí không dùng tiền mặt… Nhân dịp này, UBND tỉnh tổ chức khai trương Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Hưng Yên (IOC Hưng Yên). Trung tâm thực hiện phân tích, khai thác thông tin, dữ liệu một cách hệ thống, theo dõi theo thời gian thực phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, đồng thời ứng dụng các tiện ích thông minh nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các đại biểu nhấn nút khai trương Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Hưng Yên (IOC Hưng Yên) Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo CĐS, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh khẳng định, kết quả thực hiện Đề án CĐS và Đề án 06 bước đầu đã tạo sự lan tỏa và tác động tích cực đến nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, đảng viên, công chức, người lao động và Nhân dân. Những thành tích trong CĐS đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh – chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác CĐS và thực hiện Đề án 06 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Văn yêu cầu, thủ trưởng các sở, ngành, địa phương quan tâm thực hiện các nội dung như: Cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kế hoạch CĐS và thực hiện Đề án 06, coi CĐS là xu hướng tất yếu của thời đại và là nhiệm vụ chính trị quan trọng hằng năm của cấp ủy, chính quyền; tập trung khắc phục những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, phát huy vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của cấp ủy các cấp; tăng cường tuyên truyền, phổ biến và giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân về CĐS; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, trong đó ưu tiên thực hiện, tạo bước đột phá trong 6 lĩnh vực ưu tiên tại Đề án CĐS. Các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin tiếp tục chủ động nâng cấp hạ tầng, nền tảng dịch vụ, đề ra giải pháp đồng hành cùng chính quyền các cấp trong phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số… Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các đại biểu tham quan một số mô hình ứng dụng chuyển đổi số được trình diễn bên lề hội nghị Nguồn: baohungyen.vn
Quyết định phê duyệt Đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên