
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên
Đại dịch Covid-19 ghi nhận ca bệnh đầu tiên vào cuối tháng 12/2019 tại tỉnh Vũ Hán (Trung Quốc). Tại Việt Nam, trường hợp mắc bệnh đầu tiên ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 23/1/2020. Theo đánh giá tại hội nghị, công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhận được sự quan tâm đặc biệt và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, tinh thần trách nhiệm, nỗ lực không mệt mỏi của các lực lượng tuyến đầu; sự ủng hộ, hỗ trợ của doanh nghiệp, cộng đồng xã hội và bạn bè quốc tế, đặc biệt là sự tin tưởng, đoàn kết và tham gia tích cực của Nhân dân.
Với tinh thần chống dịch như chống giặc, đặt sức khỏe, tính mạng của Nhân dân lên trên hết, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai phù hợp ở từng giai đoạn. Các nguyên tắc, biện pháp chống dịch được kế thừa, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn trên cơ sở thực tế tình hình dịch. Chính phủ nỗ lực thực hiện các biện pháp để tiếp cận được vắc xin, triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay miễn phí cho toàn dân.
Kết quả đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19 đã góp phần quan trọng và tạo thuận lợi cho kinh tế-xã hội phục hồi, khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Từ ngày 20/10/2023, bệnh Covid-19 đã chính thức được điều chỉnh từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.
Đối với tỉnh Hưng Yên thực hiện theo đúng chỉ đạo của trung ương, huy động cả hệ thống chính trị, các lực lượng, tầng lớp Nhân dân trong phòng, chống dịch ở mỗi giai đoạn dịch; chủ động xây dựng, đề xuất triển khai kế hoạch, kịch bản phòng, chống dịch từ sớm và liên tục cập nhật theo thực tế diễn biến của dịch bệnh; thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Một số bài học kinh nghiệm trong phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua: Sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để huy động nguồn lực trong và ngoài nước, nguồn lực của Nhân dân và toàn xã hội; sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, địa phương; bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, làm tốt công tác dự báo, căn cứ dữ liệu khoa học để đưa ra biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả; nâng cao năng lực hệ thống y tế, y tế dự phòng, y tế cơ sở bảo đảm đáp ứng kịp thời khi dịch bùng phát hoặc trong tình huống khẩn cấp về dịch bệnh; thực hiện đồng bộ vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế; tăng cường hợp tác, ngoại giao y tế trong phòng, chống dịch...
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, với tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, Việt Nam đã vượt qua đại dịch Covid-19, một đại dịch nguy hiểm, có quy mô toàn cầu, gây hậu quả nghiêm trọng, cả về sức khỏe, tính mạng con người và sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia trên thế giới. Việt Nam trở thành một trong những nước "đi sau nhưng về trước" về phòng, chống dịch, mở cửa các hoạt động kinh tế, xã hội trong nước từ ngày 11/10/2021 và mở cửa với quốc tế từ ngày 15/3/2022.
Để hạn chế dịch bệnh bùng phát, chủ động sẵn sàng ứng phó các đại dịch và tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới: Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tháo gỡ khó khăn vướng mắc còn tồn tại trong công tác phòng, chống dịch; sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng, tình trạng khẩn cấp, các văn bản quy định, hướng dẫn mua sắm, đấu thầu thuốc, vắc xin, thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất; thúc đẩy triển khai các giải pháp đầu tư phát triển hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, nâng cao năng lực phòng, chống dịch; nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh…