Hưng Yên: Đồng hành cùng doanh nghiệp

Những năm qua, Hưng Yên đã ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp và các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 6 nghìn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, trong đó trên 67% số doanh nghiệp đang hoạt động. Không chỉ tăng mạnh về số lượng, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp của tỉnh có bước trưởng thành rõ nét.

 Hiện nay, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp của tỉnh ngày càng khẳng định vai trò, vị thế là lực lượng chủ yếu tạo lập và phát triển các mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh mới, mô hình doanh nghiệp hiện đại, có vai trò quyết định tạo ra chuỗi giá trị mới cho xã hội, thúc đẩy nhanh sự nghiệp CNH - HĐH trên địa bàn tỉnh.

Sản xuất tại Công ty TNHH sản xuất phụ tùng ô tô xe máy Việt Nam (Văn Lâm)
Sản xuất tại Công ty TNHH sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy Việt Nam (Văn Lâm)

Trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hàng năm các doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp hơn 80% số thu ngân sách của tỉnh, đưa giá trị sản xuất công nghiệp tăng nhanh, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Cùng với đó, sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp là hạt nhân chủ lực thúc đẩy sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt được mức tăng trưởng khá. Năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt trên 59,6 nghìn tỷ đồng, năm 2014 đạt 77 nghìn tỷ đồng, năm 2015 dự kiến đạt khoảng 83,3 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 1,3 lần so với năm 2010 và đưa tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành giai đoạn 2011 - 2015 đạt bình quân 9,7%/năm. Kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011 - 2015 có sự bứt phá, với tốc độ tăng trưởng bình quân gần 32,2%/năm, năm 2015 dự kiến đạt 2.400 triệu USD.

 Nhằm tạo điều kiện, phát huy vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp, tỉnh đã thực hiện đồng bộ, toàn diện nhiều chủ trương, chính sách trong thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân nhằm giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án cũng như trong sản xuất, kinh doanh và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng then chốt.

Để nâng cao sức cạnh tranh của các lĩnh vực, sản phẩm mà các doanh nghiệp của tỉnh có thế mạnh, tỉnh ưu tiên phát triển có chọn lọc các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ có giá trị gia tăng cao, các trung tâm công nghệ cao gắn kết chặt chẽ với các ngành công nghiệp và dịch vụ của tỉnh. Ngoài ra, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh cải cách hành chính, bảo đảm thủ tục hành chính đơn giản, giảm thời gian xử lý hồ sơ hành chính, nhất là các thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, hải quan, thuế…

 Cùng với các chủ trương, chính sách của tỉnh, ngành chuyên môn trên địa bàn tỉnh có nhiều giải pháp đồng hành cùng cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Giám đốc Sở Công Thương Vũ Đức Sơn cho biết: Thời gian qua, ngành Công Thương đã tiến hành kiểm tra, rà soát các thủ tục hành chính, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết gây phiền hà, đồng thời theo dõi sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh hoạch định chính sách thu hút đầu tư, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động...

 Vừa qua, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là cơ hội và cũng là thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Với vai trò là cầu nối giữa doanh nhân, doanh nghiệp với các cấp, ngành; đồng thời chủ động đón những thời cơ khi Việt Nam gia nhập TPP, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp như: Thành lập Ban pháp chế của hiệp hội làm nhiệm vụ tư vấn hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; hỗ trợ liên kết, liên doanh, xúc tiến thương mại, đào tạo, tập huấn cho đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp...

 Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Nguyễn Xuân Dương cho biết: Để tận dụng được lợi thế từ TPP; điều quan trọng là các doanh nghiệp phải thường xuyên nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu của ngành, tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, quan tâm đào tạo nguồn lực đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường… Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần tạo hành lang pháp lý, môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp. Ngoài ra, muốn thích ứng, từng doanh nghiệp phải chủ động, nâng cao trình độ quản lý, công nghệ, phải tự thân vận động bắt kịp tiến độ hội nhập.

Trong thời gian tới, cùng với các chủ trương, chính sách của tỉnh nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; ngành chuyên môn của tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Nâng cao chất lượng quy hoạch và hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch; rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm để thực hiện các nội dung, định hướng tái cơ cấu sản xuất, gắn kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; xây dựng cơ chế huy động nguồn lực, ưu đãi, khuyến khích đầu tư; tăng cường xúc tiến thương mại; xây dựng các sản phẩm, doanh nghiệp có giá trị sản xuất công nghiệp lớn, khả năng cạnh tranh, tiềm năng phát triển...

Nguồn: baohungyen.vn

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
14 người đang online