19/04/2023 | lượt xem: 5 Hội nghị trực tuyến về cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số Ngày 19/4, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (Ban Chỉ đạo) tổ chức phiên họp thứ tư về cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số và công bố chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính công năm 2022, chỉ số cải cách hành chính năm 2022. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì phiên họp. Dự phiên họp tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh. Các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu Hưng Yên Theo báo cáo tại phiên họp, từ năm 2021, các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2,2 nghìn quy định kinh doanh; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa gần 1,1 nghìn quy định của 10 bộ, cơ quan. Các bộ đã công khai, cập nhật hơn 17,8 nghìn quy định kinh doanh; cung cấp hơn 4,4 nghìn dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Cổng thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN đã thực hiện 250/261 dịch vụ công trực tuyến của 13 bộ, ngành với hơn 55 nghìn doanh nghiệp tham gia. Đến nay, đã cấp hơn 79,5 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp, kích hoạt trên 6 triệu tài khoản VNeID; hoàn thành tích hợp 21/25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chia sẻ, làm sạch dữ liệu với 13 bộ, ngành, 63 địa phương, 3 doanh nghiệp viễn thông và EVN bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”; tiếp nhận 95,6 triệu yêu cầu xác thực thông tin thuê bao điện thoại di động, trong đó làm sạch, đồng bộ trên 78 triệu thông tin thuê bao. Năm 2022, chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX) đạt trên 80%. Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ nhấn mạnh: Cải cách hành chính là một trong 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược, được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai. Thời gian qua, với sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, của các thành viên Ban Chỉ đạo, công tác cải cách hành chính đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ và đạt được những bước tiến quan trọng, khơi dậy và huy động nguồn lực cho phát triển đất nước; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp. Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều vướng mắc, tồn tại, hạn chế, gây cản trở cho đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương tập trung đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp và đề ra giải pháp khắc phục, khơi thông những điểm nghẽn, ách tắc trong tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, đánh giá khái quát kết quả cải cách hành chính nói chung và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thúc đẩy công tác này trong thời gian tới; đặc biệt là giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm. Các thành viên Ban Chỉ đạo cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với công cuộc cải cách hành chính của đất nước, của bộ, ngành mình; từ đó, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nói chung, cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp nói riêng với cách làm mới, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, bám sát phương châm hành động của Chính phủ "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, chủ động sáng tạo, kịp thời hiệu quả"… Phát biểu tại điểm cầu của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Duy Hưng yêu cầu trong thời gian tới các sở, ngành, địa phương của tỉnh cần cụ thể hóa nhiệm vụ theo nhiệm vụ; xem xét diễn biến của từng chỉ số xếp hạng liên quan đến cải cách hành chính về thứ bậc, điểm số, qua đó tiếp tục phát huy những chỉ số được cải thiện, tìm hiểu nguyên nhân chỉ số còn hạn chế để có giải pháp khắc phục hiệu quả. Các sở, ngành, địa phương có thứ bậc, điểm số thấp cần chú ý nỗ lực cải thiện để đóng góp vào thành tích chung của tỉnh. Các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức… Nguồn tin: baohungyen.vn
Quyết định phê duyệt Đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên