15/07/2024 | lượt xem: 3 Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính 6 tháng cuối năm 2024 Ngày 15/7, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức phiên họp thứ tám đánh giá kết quả triển khai công tác CCHC 6 tháng đầu năm, bàn phương hướng, nhiệm vụ CCHC 6 tháng cuối năm 2024. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ chủ trì phiên họp. Phiên họp được truyền trực tuyến tới trụ sở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu Hưng Yên Dự phiên họp tại điểm cầu Hưng Yên có các đồng chí: Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh; Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thứ nhất Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt để tháo gỡ những điểm nghẽn trong tổ chức thực hiện công tác CCHC. Đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành 10/12 nhiệm vụ CCHC; đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 168 quy định kinh doanh tại 16 văn bản quy phạm pháp luật. Các bộ, ngành, địa phương thực hiện tinh giản biên chế 3.853 người. Đến ngày 30/6, tỷ lệ thủ tục hành chính (TTHC) được cung cấp dưới dạng dịch vụ công toàn trình (DVCTT) đạt 81%; tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đối với các dịch vụ công của các bộ, ngành đạt 61%; cấp tỉnh, thành phố đạt 17%...Tại tỉnh Hưng Yên, trong 6 tháng đầu năm, các sở ngành, thành viên Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh đã nỗ lực, quyết tâm trong việc tham mưu UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản triển khai các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 61 quyết định công bố danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn với tổng số 863 TTHC; Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 21 quyết định phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết TTHC với tổng số 351 quy trình nội bộ. Tỷ lệ hồ sơ TTHC được tiếp nhận, xử lý trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến đạt 92%. Tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt trên 90%. 6 tháng cuối năm, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030. Tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ CCHC; tăng cường đôn đốc, theo dõi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền về CCHC. Các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch hoạt động năm 2024. Đẩy mạnh cải cách thể chế, tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho sản xuất, kinh doanh. Gắn kết chặt chẽ giữa cải cách, đơn giản hóa TTHC với chuyển đổi số. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường rà soát, tháo gỡ những rào cản về thể chế, cơ chế để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, địa phương. Tổ chức triển khai có hiệu quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập. Tiếp tục triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số quốc gia… Phát biểu tại điểm cầu Hưng Yên, đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thứ nhất Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh nhấn mạnh: CCHC, xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là yêu cầu cấp thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay. Trên cơ sở đánh giá, phân tích kết quả, xếp hạng các chỉ số CCHC của tỉnh năm 2023, đồng chí yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh, các sở, ngành, địa phương cần nhìn nhận, đánh giá đúng các điểm tồn tại, hạn chế để sớm có giải pháp khắc phục và nâng các điểm thành phần chỉ số CCHC trong năm 2024. Các sở, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong quá trình tham mưu, tổ chức thực hiện 8 nhiệm vụ CCHC; thực hiện tốt việc số hóa hồ sơ kết quả giải quyết TTHC và các thành phần hồ sơ để tái sử dụng cho giải quyết TTHC những lần tiếp theo. Các sở, ngành cần phân tích, đánh giá những dịch vụ công mà người dân, doanh nghiệp sử dụng nhiều để có sự quan tâm, bố trí con người, thiết bị phù hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ, chất lượng phục vụ. Đối với nhiệm vụ tinh giản biên chế, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập và nâng mức tự chủ... các ngành, địa phương phối hợp, thống nhất tham mưu cấp có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, bất cập, nhất là kiến nghị sửa đổi các quy định cho phù hợp với thực tiễn và khả thi trong quá trình thực hiện… Nguồn tin: baohungyen.vn
Tập huấn, quán triệt, phổ biến các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và công tác kê khai, kiểm soát tài sản thu nhập
Đại hội đại biểu Hội chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Hưng Yên lần thứ III, nhiệm kỳ 2024 - 2029
Tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023