Bài 2: Chuyển đổi số - khi áp lực trở thành động lực

Việc chuyển đổi số là cả một quá trình và cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân. Chuyển đổi số là sự thay đổi từ môi trường truyền thống lên môi trường số. Đây là một chương trình lớn, dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. Sự thay đổi đó có thành công hay không  phụ thuộc vào việc đơn vị, lãnh đạo đơn vị có dám hay không dám chấp nhận cái mới. Vì vậy, yếu tố quan trọng nhất là nhận thức, là quyết tâm vượt qua khó khăn để áp dụng các tiện ích hiện đại trong công tác quản lý, điều hành, tạo dựng môi trường sống hiện đại, văn minh. Tại Hưng Yên, một số đơn vị đã mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, đạt những kết quả bước đầu đáng phấn khởi trong tiến trình chuyển đổi số.

Nhân viên VNPT Hưng Yên hỗ trợ đường truyền phục vụ hội nghị kết nối cung cầu, tiêu thụ nhãn và nông sản của tỉnh Hưng Yên năm 2021 theo hình thức trực tuyến
 

Thành phố Hưng Yên – thủ phủ của tỉnh, vì thế việc chuyển đổi số là đòi hỏi không chỉ cần thực hiện sớm, mà còn cần hiệu quả, thực chất, dẫn đầu các địa phương về lĩnh vực này. Thành phố Hưng Yên coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình đưa nghị quyết đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống. Thành phố thực hiện trên tinh thần biến áp lực thành động lực, mỗi người dân là người tham gia vào chuyển đổi số và là người thụ hưởng kết quả chuyển đổi số.  

Hiện nay, 100% văn bản đi/đến nội bộ các đơn vị cấp phòng, ban, xã, phường trực thuộc thành phố được thực hiện dưới dạng điện tử. Thành phố hiện đang cung cấp 278 thủ tục hành chính (TTHC) cấp thành phố và 152 TTHC cấp xã, trong đó 100% TTHC cấp thành phố bảo đảm cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Thành phố hiện đang phối hợp với Viettel Hưng Yên triển khai xây dựng thành phố thông minh (Hưng Yên Smart City). Viettel hỗ trợ thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) thành phố thông minh. Hiện tại, toàn thành phố đã lắp đặt và vận hành ổn định 15 camera giám sát đô thị tại các khu vực chính của thành phố; xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh; trung tâm giám sát điều hành thông minh. Thành phố hiện đang vận hành thử nghiệm ứng dụng Hưng Yên Smart City tại địa chỉ http://tp-hung-yen.vts-paht.com. Hiện tại, toàn bộ thông tin về tình hình và công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố được cập nhật thường xuyên lên ứng dụng, đồng thời cập nhật các phản ánh hiện trường về an ninh trật tự, an toàn giao thông… Được biết, khi đi vào vận hành chính thức, ứng dụng này sẽ đưa các dữ liệu, thông tin quan trọng của tỉnh, thành phố và các địa phương lên hệ thống, trong đó ưu tiên các lĩnh vực như: Y tế, giáo dục, đất đai, an ninh trật tự, an toàn giao thông...

Tại Sở Khoa học và Công nghệ, việc ứng dụng công nghệ thông tin được sở triển khai với quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin trên môi trường số. Sở thực hiện quản lý văn bản quản lý điều hành trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản chung của UBND tỉnh. Sử dụng chữ ký số trong phát hành văn bản điện tử; thực hiện trao đổi, thông tin về công việc thông qua các nhóm Zalo; công khai lịch làm việc của lãnh đạo sở trên trang thông tin điện tử của sở. Hiện tại, sở đang xây dựng và áp dụng hệ thống ISO điện tử theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động quản lý, điều hành của sở. Đây là sự chuyển đổi căn bản trong hoạt động quản lý, điều hành của sở sang môi trường số. Sở hiện đang cung cấp 64 TTHC, trong đó 7 TTHC đạt mức độ 3 và 57 TTHC đạt mức độ 4. 

Trong thời gian qua, thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm) – một địa phương có nhiều lợi thế về vị trí địa lý - đã tăng cường ứng dụng CNTT trong thực hiện nhiệm vụ và giải quyết TTHC. Toàn bộ cán bộ, công chức của thị trấn đều sử dụng thành thạo máy vi tính và tiếp nhận, giải quyết công việc trên môi trường internet. Thị trấn đã triển khai ứng dụng hiệu quả cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử theo mô hình tập trung tại bộ phận một cửa thị trấn, triển khai mô hình số hóa thành phần hồ sơ, dữ liệu, kết quả giải quyết TTHC để xây dựng, hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung trên hệ thống thông tin một cửa của tỉnh nhằm phục vụ công tác giải quyết TTHC trên môi trường điện tử. Tại bộ phận một cửa, thị trấn đã trang bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ công tác giải quyết TTHC điện tử như: 4 máy tính có kết nối internet, 2 màn hình tra cứu thông tin và đầu đọc mã vạch, 3 máy in, 1 máy scan, 1 máy photocopy, hệ thống camera giám sát... Thị trấn thực hiện cập nhật đầy đủ trên phần mềm các văn bản chỉ đạo đã soạn thảo, phát hành tại UBND thị trấn giúp thuận tiện cho theo dõi, tổng hợp. Thị trấn hiện đang cung cấp 125 TTHC, trong đó 100% bảo đảm cung cấp ở mức độ 3.

Xã Tân Dân (Khoái Châu) là địa phương tích cực thực hiện tiến trình chuyển đổi số, được đánh giá là một trong những địa phương điển hình trong thực hiện chuyển đổi số. Đến nay, hệ thống mạng LAN và kết nối internet của UBND xã được đầu tư và tái cấu trúc theo tiêu chuẩn cơ bản, để bảo đảm an toàn, an ninh mạng; 100% cán bộ của xã đều được trang bị máy tính và chữ ký số để ứng dụng trong công việc. Cùng với đó, từ năm 2020 đến nay, toàn bộ  các văn bản đã được nhận và xử lý kịp thời qua mạng, các văn bản đi đã được ký số 100%. 9 tháng đầu năm 2021, hệ thống một cửa điện tử của xã đã xử lý 4.248/4.248 hồ sơ tiếp nhận, đạt 100% thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn. Việc các hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, xử lý qua hệ thống một cửa điện tử của xã giúp cho công tác theo dõi chỉ đạo, số hoá tài liệu hồ sơ, kết quả thủ tục hành chính thuận tiện, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ và địa phương. Về kinh tế số, xã Tân Dân tập trung chuyển đổi số cho Hợp tác xã (HTX) nông sản Phú Quý. Nhờ đó, HTX đã hoàn thiện được quy trình sản xuất; các sản phẩm của HTX được các đơn vị chức năng cấp giấy phép lưu hành, được đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu và được đăng ký bảo hộ sản phẩm theo quy định. HTX cũng đã được hỗ trợ thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và đạt được một số kết quả như: Trang web giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp; Fanpage giới thiệu các sản phẩm trên Facebook; nền tảng kết nối thương mại điện tử dành cho nông sản AgriConnect được xây dựng để kết nối các gian hàng trên các sàn như Postmart, Tiki, Shopee... giới thiệu các sản phẩm. Ông Nguyễn Hữu Hà, Giám đốc HTX nông sản Phú Quý cho biết: Trung bình mỗi tháng, HTX  có khoảng 200 đơn hàng đặt online, chiếm trên 50% tổng số đơn hàng của HTX. Đây là những thay đổi và lợi ích rõ nét mà HTX nhận được từ việc chuyển đổi số”.

Công ty Điện lực Hưng Yên ứng dụng nhiều công nghệ, phần mềm hiện đại trong điều hành hệ thống điện
 

Doanh nghiệp là lực lượng quan trọng trong thực hiện chuyển đổi số. Chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng được tỉnh xác định là một trong các lĩnh vực ưu tiên. Bám sát định hướng của Tổng công ty Điện lực miền Bắc và của tỉnh, Công ty Điện lực Hưng Yên hiện đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động chuyên môn. Tại đơn vị, ứng dụng ký số điện tử, các hồ sơ, tài liệu, hợp đồng mua bán điện đang từng bước được số hoá. Công ty đã triển khai 12 dịch vụ điện được cung cấp trực tuyến tại Cổng dịch vụ công Quốc gia, các trung tâm dịch vụ công; thanh toán điện tử, hoá đơn điện tử, tích hợp với các Trung tâm hành chính công đạt 100%. Công tác triển khai chăm sóc khách hàng qua ứng dụng Zalo của công ty đạt 52,62% tổng số khách hàng hiện đang quản lý. Công ty cũng đã triển khai lắp đặt và khai thác tốt các hệ thống đo xa công tơ điện tử với 4.265/4.526 điểm đo đầu nguồn các TBA phân phối, đạt tỷ lệ lắp đặt là 94,23%; công tơ một pha điện tử thu thập tự động qua công tơ điện tử đọc chỉ số từ xa (DCU) là 214.452/235.154 công tơ, đạt 91,2%. Trong công tác vận hành, công ty đã triển khai tốt công tác quản lý hồ sơ kỹ thuật trên hệ thống phần mềm quản lý nguồn và lưới điện (PMIS); tính toán và theo dõi các bộ chỉ số độ tin cậy cung cấp điện trên hệ thống quản lý mất điện (OMS); quản lý hiệu quả các nhóm công tác, các công việc trên lưới điện qua phần mềm quản lý an toàn lao động (ECP)… Từ đó, góp phần hiệu quả trong cung ứng điện, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. Các thiết bị khoa học công nghệ được tích cực ứng dụng trong vận hành lưới điện như: Đo phóng điện cục bộ cáp ngầm trung thế bằng thiết bị phóng điện cục bộ (PD); sử dụng camera ảnh nhiệt để phát hiện khiếm khuyết lưới điện. Bên cạnh đó, công ty đã tổ chức và vận hành hiệu quả hệ thống điều khiển giám sát và thu nhập dữ liệu/hệ thống quản lý lưới phân phối (SCADA/DMS) với 15/15 TBA 110kV và 196 thiết bị trung thế đã chuyển sang thao tác xa từ hệ thống giám sát quản lý vận hành lưới điện cao thế (OCC), góp phần hiệu quả trong công tác điều độ vận hành và tự động hóa lưới điện.

Ghi nhận tại các địa phương, đơn vị, chúng tôi được biết, khi mới bắt tay thực hiện, đa số nghĩ rằng chuyển đổi số là việc khó, là những đòi hỏi rất cao về am hiểu nền tảng kỹ thuật số, về công nghệ thông tin. Nhưng với quyết tâm của lãnh đạo đơn vị, với tinh thần vừa làm vừa học hỏi, những khó khăn dần được đẩy lùi, cán bộ, công chức hiểu rằng chuyển đổi số không phải là một khái niệm trừu tượng mà rất thiết thực với công việc của chính mình.

Nguồn tin: baohungyen.vn

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
19 người đang online